Một người dù hiểu biết đến đâu cũng phải học cách khiêm tốn, không thể phô trương kinh nghiệm và kiến thức của mình một cách tùy tiện. Khiêm tốn, thận trọng là những khả năng thực sự tuyệt vời.
Có câu: “Nước nông thì ồn ào, nước sâu thì tĩnh lặng“.
Vùng nước nông thường nghe tiếng róc rách của nước chảy và người ta dựa vào đó để biết rằng nước cạn. Còn những chỗ nước sâu thì im lặng và ít ồn, đừng nghĩ chẳng thể nghe tiếng mà bước xuống thì sẽ bị chìm ngay.
Điều này cũng đúng với con người chúng ta sống ở đời. Có những người thường rất kiêu ngạo, thích cạnh tranh với người khác về ưu điểm và khuyết điểm, cố thể hiện kiến thức của bản thân qua những lời nói quá sự thật. Bằng cách này, họ không những không giành được sự tôn trọng của người khác mà còn có thể gây ra tai họa.
Như câu nói, “Trời không nói thì trời vẫn cao, đất chẳng thốt ra nhưng đất vẫn dày.” Thực ra trong “Đạo Đức Kinh” cũng có 3 điều “đáng tiền” để học hỏi, biết sớm thì tốt còn biết muộn thì gắng nạp thu.
1. Người tốt không bàn cãi
Đạo Đức Kinh có nói: “Người tốt không bàn cãi, người bàn cãi thì không tốt”. Những người làm việc thiện thì không thích tranh luận, còn những người giỏi tranh luận thì trong lòng thường không tốt.
Chuyện này xảy ra khi Quý Di Lâm và Tàng Khắc Gia dùng bữa trong một nhà hàng. Mẹ cháu bé nhà bên vì lí do nào đó để bé lại một lúc, cháu bé sơ ý ngã xuống đất khóc thét. Quý Di Lâm nhìn thấy, liền lập tức đỡ đứa trẻ lên. Mẹ của đứa trẻ quay lại, nhầm tưởng rằng anh ta đang bắt nạt đứa trẻ nên mắng Quý Di Lâm một trận: “Tại sao người lớn lại bắt nạt một đứa trẻ thế hả? Nếu con trai tôi bị thương, anh sẽ không yên với tôi đâu.”
Những vị khách xung quanh không thể chịu đựng được và buộc tội người phụ nữ không biết lý lẽ: “Là do đứa trẻ tự té. Quý ông này tốt bụng giúp cô đỡ con cô dậy. Làm sao cô có thể chửi bới người khác mà không hỏi chuyện gì đã xảy ra thế hả?”. Người phụ nữ biết mình sai nên ngưng mắng và bỏ đi.
Tàng Khắc Gia mới lấy làm lạ bèn hỏi Quý Di Lâm, anh ấy rõ ràng là hiểu lầm, tại sao anh không giải thích?
Quý Di Lâm cười và nói, “Đây là lý do tại sao tôi không đáp lại. Nếu tôi đáp lại người đã mắng mỏ tôi thì sau đó là cả hai sẽ tranh cãi nảy lửa. Đây là một khởi đầu tồi tệ. Nếu tôi không đáp trả, tôi đã cắt đứt điều này, thì sẽ có một khởi đầu tốt hơn.”
Trong cuộc sống, mọi người sẽ không tránh khỏi những hiểu lầm, thậm chí là vu khống, vu cáo và luôn cho rằng “càng cãi càng rõ”. Như mọi người đều biết, không tranh cãi là cách tốt nhất để giảm xung đột và xô xát, là cách giải quyết vấn đề hiệu quả.
Trên thực tế, chúng ta không cần phải tranh luận với người khác và cũng không cần phải chứng minh xem chúng ta có đúng hay không, bởi vì những người tin bạn thì không cần bạn phải giải thích, còn những người không tin vào bạn thì bạn giải thích cũng bằng thừa.
Tranh luận với những người không cùng đẳng cấp là việc làm vô nghĩa; tranh luận với những người có quan điểm khác nhau không thể phân biệt thắng thua. Tranh luận hay không tranh luận, sự thật tự nhiên tồn tại.
Hơn nữa, sự biện hộ đôi khi là “càng miêu tả càng tối nghĩa”. Người hiểu lầm bạn có thể cố giải thích rõ ràng, nếu người đó không hiểu thì quên đi, không cần phải lưu luyến bởi vàng thật không sợ lửa. Làm tốt việc của bản thân là minh chứng tốt nhất.
2. Những người biết không nói còn những người càng nói càng chứng tỏ chẳng biết gì
Đời này có nhiều nghịch lý lắm. Người càng biết ít thì càng nghĩ rằng mình biết tất cả mọi thứ, còn người biết nhiều thì cảm thấy rằng họ biết ít nên chỉ im lặng.
Chuyện kể rằng vào đời nhà Tống ở Trung quốc có một đôi bạn thân, cả hai người đều học rộng, tài cao. Về phẩm hàm là quan nhất, nhị phẩm. Đó là nhà văn Vương An Thạch và nhà thơ Tô Đông Pha. Cả hai đều văn hay chữ tốt và có những tác phẩm rất nổi tiếng, Vương An Thạch giữ chức Tể tướng Còn Tô Đông Pha thì làm quan cai trị một vùng. Hai người là bạn thân chơi với nhau từ lâu nhưng do mỗi người lại có năng khiếu và sở trường riêng, người này giỏi văn còn người kia thì lại giỏi về thơ, vậy cho nên Tô Đông Pha không phục Vương An Thạch, coi bạn không giỏi bằng mình.
Biết là bạn coi thường mình nhưng Vương An Thạch chỉ im lặng không nói gì cả. Có một lần Vương An Thạch chủ động mời Tô Đông Pha đến tư dinh Tể tướng của mình chơi để đàm đạo chuyện văn chương. Khi Tô Đông Pha đến, Vương An Thạch cố ý vắng mặt một cách tế nhị khi Tô Đông Pha bước vào thư phòng của ông. Vì không thấy bạn mình trong phòng, lại thấy trên bàn có một bài thơ đã làm xong và một bài đang viết dở. Vì giỏi thơ, khi nhìn thấy có thơ là ông liếc mắt đọc ngay. Một bài có đôi câu như sau:
“Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm”.
Tô Đông Pha nhíu mày, nhăn trán suy nghĩ: Minh nguyệt là ánh trăng sáng, mà khiếu là hót. Vậy thì ánh trăng sáng, sao mà lại hót được ở đầu núi nhỉ? Câu tiếp là Hoàng khuyển là con chó vàng thì làm sao lại ngọa (nằm) được ở trong tâm (giữa) bông hoa? Ông lắc đầu và tỏ rõ ý coi thường tác giả của bài thơ. Ông nghĩ “Vậy mà người ta cứ đồn là Vương An Thạch giỏi”? Nhân lúc vắng chủ nhà và sẵn tiện có bút mực tại chỗ, ông sửa lại ngay hai câu thơ là:
“Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm”
Có nghĩa là ánh trăng chiếu nơi đầu núi và con chó vàng nằm dưới bóng của bông hoa. Sửa xong hai câu thơ trên, Tô Đông Pha tỏ vẻ rất hài lòng và cho rằng khi đọc lại hai câu thơ này thì Vương An Thạch phải phục tài của mình lắm. Thơ phải sửa như thế mới đúng ngữ nghĩa chứ!
Đọc tiếp bài thứ hai, thấy Vương An Thạch tả cảnh mùa đông lạnh lẽo, tuyết rơi, hoa cúc rụng tơi tả. Tự liên hệ, ông thấy rất bực mình vì trên thực tế không bao giờ có chuyện hoa cúc lại rụng. Với hoa cúc, khi tàn héo nó vẫn cứ bám vào đài và thân hoa cho đến khi cây cúc chết.(Hoa cúc như vậy nên các đôi trai gái khi yêu thường lấy hoa làm biểu tượng để tặng cho nhau thể hiện sự chung thủy của mình). Nghĩ vậy, ông cầm bút viết ngay vào bên cạnh bài của tác giả để nói thẳng với tác giả rằng “Hoa cúc không bao giờ rụng cả”.
Biết mình chức, tước và phẩm hàm còn dưới Vương An Thạch nên lúc ra về suy nghĩ lại, ông biết mình phạm thượng, vì Vương An Thạch là quan đầu triều, chỉ dưới có một mình vua (dưới một người, trên vạn người). Thế nào mình cũng sẽ bị trị tội, bị trả thù là cái chắc.
Quả đúng như dự đoán, sau một thời gian ngắn Tô Đông Pha nhận được “trát” điều đi nhậm chức tận vùng phương Bắc xa xôi như đi “đày”. Tô Đông Pha hối hận và nhận ra hậu quả việc làm bồng bột của mình! Còn với tể tướng Vương An Thạch, sau khi ban “trát” điều Tô Đông Pha đi, ông hạ lệnh các quan lại địa phương mà Tô Đông Pha đến làm việc là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông tìm hiểu đất đai, thổ nhưỡng cũng như thiên nhiên vùng đó và phải đối xử với tiên sinh Tô Đông Pha như bậc đại khách.
Là một người yêu thiên nhiên và biết cảm thông với nỗi thống khổ của người dân ở vùng đất khô cằn, khắc nghiệt, Tô Đông Pha thường xuyên tiếp xúc với dân, ông thỏa sức du ngoạn để tìm hiểu về con người và đất đai khắp vùng. Vì sống hòa đồng và hết sức thân thiện với mọi người nên ông đi đến đâu cũng được từ quan đến dân đón tiếp chân thành và nồng hậu.
Có một lần đến thăm một làng quê nọ, Tô Đông Pha bỗng nghe thấy tiếng chim lạ hót véo von, tiếng hót rất trong lại vang vọng vào núi đá. Nhà thơ hỏi đấy là loại chim gì mà hót hay như vậy? Những người dân địa phương trả lời: Đấy là tiếng hót của chim Minh Nguyệt.
Có một lần khác khi đi thăm một vườn trồng hoa, thấy mọi người đang bắt sâu, đó là một loại sâu lạ nằm giữa bông hoa để ăn nhụy. Ông hỏi đó là sâu gì thế ? Những người nông dân trả lời: Đó là sâu Hoàng Khuyển. Thì ra trên thực tế có cả loại chim Minh Nguyệt và loài sâu Hoàng Khuyển thật. Vì tự cao không hiểu hết ý và tự sửa bài thơ của Vương An Thạch, làm sai nội dung và tứ thơ hay của tác phẩm.
Thời gian trôi đi, khi mùa đông phương Bắc lạnh lẽo tràn về, Tô Đông Pha ngồi trong nhà nhìn ra ngoài thấy tuyết trắng xóa bay đầy trời và ở dưới vườn nhà những cánh hoa cúc bị tuyết bám vào rụng rơi lả tả. Nhà thơ lại giật mình lần nữa và không tránh được tiếng thở dài, thì ra có hoa cúc rụng thật. Chỉ có điều là nó rụng trong hoàn cảnh và môi trường như thế nào mà thôi.
Ông ngồi suy nghĩ và hồi tưởng lại những sự việc đã diễn ra trong thời gian vừa qua, thấy rõ sự hiểu biết quá cạn cợt của mình, nghĩ việc mình được bổ nhiệm làm quan nơi xa xôi, được tiếp xúc, du ngoạn và được đón tiếp thịnh tình lại có thêm nhiều hiểu biết và những vốn sống phong phú ở một vùng thiên nhiên kỳ thú nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt này. Tô Đông Pha bỗng nhận ra bạn mình Vương An Thạch, quan Tể tướng – Nhà văn không phải là người tầm thường, không phải trả thù hay “đày ải” mình lên biên cương mà chính là quan tâm tạo điều kiện cho mình đi “thực tế” để có thêm vốn sống và kiến thức từ trong dân gian.
Vừa thấm thía, vừa biết ơn cộng với sự cảm phục, nhà thơ Tô Đông Pha liền ngồi viết thư tạ lỗi với tể tướng Vương An Thạch.
Bạn càng có nhiều kiến thức, tầm nhìn của bạn càng rộng và càng tiếp xúc với nhiều thứ, bạn sẽ hiểu được giới hạn khả năng của mình. Vì vậy, những người có kiến thức thực sự sẽ không khoe khoang khắp nơi, họ hiểu rõ sự tầm thường của mình và sự học hỏi không ngừng. Ngược lại, người càng ít hiểu biết thì không thể đánh giá đúng bản thân mình và không thể đánh giá người khác một cách khách quan nên thường tự cho mình là đúng.
Một người dù hiểu biết đến đâu cũng phải học cách khiêm tốn, không thể phô trương kinh nghiệm và kiến thức của mình một cách tùy tiện. Khiêm tốn, thận trọng là những khả năng thực sự tuyệt vời.
3. Đừng khoe mẽ vì càng khoe thứ gì chứng tỏ bạn đang thiếu thứ đó
Thành tích của một người chắc chắn sẽ mang tính tự mãn và tự mãn, điều này sẽ dẫn đến sự đố kỵ và ghen ghét của người khác, thậm chí là bị chỉ trích, chối bỏ và cô lập. Không khoe mẽ, không thổi phồng là tư thế tốt nhất. Những người thực sự mạnh mẽ luôn âm thầm làm mọi việc, họ biết cách hội tụ, biết dè dặt và biết cách cân nhắc và lựa chọn.
Người chín chắn thì khiêm tốn, nhân hậu, bao dung, không ganh đua với người khác, hiểu biết rộng, không khoe khoang, không lấy công làm nên thành tích. Ngược lại, người kiêu căng, ngạo mạn là tự hủy hoại bản thân mình.
Theo Tịnh Kỳ
Trí Thức Trẻ