Android Debug Bridge hay còn gọi là ADB là một công cụ mạnh mẽ và linh hoạt, cho phép người dùng thực hiện nhiều việc như tìm nhật ký, cài đặt và gỡ cài đặt ứng dụng, chuyển file, root và flash ROM tùy chỉnh, tạo bản sao lưu thiết bị, v.v… Trên thực tế, hầu hết các hướng dẫn nâng cao và hướng dẫn cách thực hiện một thao tác nào đó trên Android có xu hướng sử dụng các lệnh adb để hoàn thành công việc.
Hơn nữa, adb cũng rất hữu ích khi thiết bị Android không hoạt động như bình thường hoặc khi mọi thứ trở nên rất lộn xộn và không thể sử dụng được. Mặc dù trông hơi “đáng sợ” và phức tạp, sau đây là danh sách các lệnh adb để bắt đầu và thực hiện một số điều hữu ích trong các tiến trình.
Cài đặt ADB trên Windows
Không giống như trong các phiên bản trước, người dùng không phải cài đặt Android SDK hoàn chỉnh để cài đặt ADB. Chỉ cần tải xuống file zip ADB độc lập, giải nén nó vào thư mục gốc của ổ C và mọi thứ đã hoàn tất. Để truy cập adb, hãy mở Command Prompt bằng cách tìm kiếm nó trong menu Start và điều hướng đến thư mục adb bằng lệnh bên dưới. Nếu đã cài đặt adb trong một thư mục khác thì hãy thay đổi lệnh cho phù hợp.
cd c:\adb
Mẹo: Sau đó, mở một Command Prompt từ cùng một thư mục, nhấn và giữ phím Shift, sau đó nhấp chuột phải vào thư mục, rồi bấm vào tùy chọn “Open command prompt here”.
Bây giờ, kết nối thiết bị Android qua USB và tiến hành thử nghiệm các lệnh bên dưới.
Những lệnh ADB thường dùng
1. Khởi động hoặc dừng máy chủ ADB
Rõ ràng, lệnh đầu tiên nên biết là làm thế nào để khởi động và dừng máy chủ adb. Điều này cho phép người dùng tương tác với thiết bị Android được kết nối. Để khởi động máy chủ adb, sử dụng lệnh dưới đây.
adb start-server
Khi đã hoàn thành công việc của mình, người dùng có thể sử dụng lệnh bên dưới để dừng máy chủ adb.
adb kill-server
2. Liệt kê các thiết bị Android được kết nối
Đây là một trong những lệnh phổ biến nhất. Khi kết nối thiết bị với máy tính qua USB, hãy sử dụng lệnh này để xác minh xem adb có thể tìm thấy thiết bị được kết nối hay không.
adb devices
Nếu thiết bị được kết nối đúng với hệ thống, lệnh trên sẽ khởi động service daemon, quét hệ thống và liệt kê tất cả các ổ đĩa Android được kết nối. Điểm hay nhất của lệnh này là nó liệt kê cả trạng thái của thiết bị và số sê-ri của chúng.
3. Biết trạng thái của thiết bị
Đúng như tên gọi của nó, lệnh này có thể được sử dụng để biết trạng thái thiết bị. Khi lệnh được thực thi, nó sẽ hiển thị xem trạng thái thiết bị đang ở chế độ ngoại tuyến, bootloader hay thiết bị. Đối với một thiết bị Android bình thường, người dùng sẽ thấy trạng thái Android của mình là “device”, giống như trong hình ảnh bên dưới.
adb get-state
4. Hiển thị số sê-ri thiết bị
Lệnh này cho người dùng biết số sê-ri của thiết bị được kết nối. Trên điện thoại hoặc máy tính bảng, người dùng có thể thấy số sê-ri của thiết bị bằng cách điều hướng đến “Settings > About Phone > Status”.
adb get-serialno
5. Sao chép file từ máy tính sang điện thoại
Nếu muốn sao chép các file từ máy tính sang điện thoại bằng adb thì người dùng có thể sử dụng lệnh này. Đừng quên thay thế [source] và [destination] bằng đường dẫn file thực tế.
adb push [source] [destination]
Khi thay thế lệnh trên bằng đường dẫn file thực tế, nó sẽ trông giống như sau.
adb push "E:\Video Songs\Aankhon Mein Teri - Om Shanti Om.mp4" "/sdcard/Downloads/video.mp4"
6. Sao chép file từ điện thoại sang máy tính
Giống như khi sao chép các file từ máy tính sang thiết bị Android, người dùng cũng có thể sao chép các file từ điện thoại sang máy tính. Để làm điều đó, chỉ cần sử dụng lệnh dưới đây. Thay thế [source] và [destination] bằng đường dẫn file thực tế.
adb pull [source] [destination]
Khi thay thế lệnh trên bằng đường dẫn file thực tế, lệnh sẽ trông giống như sau.
adb pull "/sdcard/Downloads/video.mp4" D:\Downloads
7. Cài đặt/Gỡ cài đặt ứng dụng
Ngoài việc di chuyển file qua lại giữa máy tính và điện thoại, người dùng thực sự có thể cài đặt file apk chỉ bằng một lệnh duy nhất. Để cài đặt một ứng dụng, người dùng phải chỉ định đường dẫn đầy đủ của file apk. Vì vậy, hãy thay thế “path/to/file.apk” bằng đường dẫn file apk thực tế.
adb install "path/to/file.apk"
Nếu có nhiều thiết bị được gắn vào máy tính và chỉ muốn cài đặt file apk trên một thiết bị duy nhất thì hãy sử dụng lệnh bên dưới. Thay thế [serial-number] bằng số sê-ri thiết bị thực tế. Người dùng có thể lấy số sê-ri thiết bị bằng lệnh thứ tư ở trên.
adb -s [serial-number] install "path/to/file.apk"
Để gỡ cài đặt một ứng dụng, chỉ cần thực thi lệnh dưới đây. Thay thế <package-name> bằng tên gói đủ điều kiện thực tế của ứng dụng.
adb uninstall <package-name>
8. Sao lưu thiết bị Android
Để sao lưu tất cả dữ liệu của thiết bị và ứng dụng, người dùng có thể sử dụng lệnh bên dưới. Khi được thực thi, nó sẽ kích hoạt tính năng sao lưu, yêu cầu người dùng chấp nhận hành động trên thiết bị Android và sau đó tạo file “backup.adb” trong thư mục hiện hành.
adb backup -all
9. Khôi phục thiết bị Android
Để khôi phục một bản sao lưu, hãy sử dụng lệnh dưới đây. Đừng quên thay thế “path/to/backup.adb” bằng đường dẫn file thực tế.
adb restore "path/to/backup.adb"
10. Khởi động lại thiết bị Android vào chế độ Recovery
Chế độ khôi phục Recovery giúp người dùng sửa chữa hoặc khôi phục thiết bị Android bằng các công cụ được tích hợp trong đó. Nói chung, người dùng có thể khởi động vào chế độ Recovery bằng cách sử dụng kết hợp 2 nút âm lượng và nguồn. Ngoài ra, người dùng cũng có thể kết nối thiết bị với hệ thống và sử dụng lệnh bên dưới để khởi động vào chế độ Recovery.
adb reboot-recovery
11. Khởi động lại thiết bị Android vào chế độ Bootloader
Lệnh dưới đây cho phép người dùng khởi động vào chế độ bootloader. Nói chung, chế độ bootloader rất giống với chế độ fastboot.
adb reboot-bootloader
12. Khởi động lại thiết bị Android vào chế độ Fastboot
Chế độ fastboot thường được sử dụng để flash ROM tùy chỉnh, bootloader (bộ nạp khởi động) và thậm chí cả các kernel. Sử dụng lệnh dưới đây để khởi động vào chế độ fastboot.
adb fastboot
13. Khởi động Shell từ xa
Lệnh này khởi động shell từ xa, cũng như cho phép người dùng điều khiển và cấu hình thiết bị bằng các lệnh shell.
adb shell
14. Chụp ảnh màn hình
Không có gì khó khăn khi chụp ảnh màn hình trên Android. Tất cả những gì phải làm là nhấn nút nguồn và nút giảm âm lượng cùng một lúc. Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng lệnh này để chụp ảnh màn hình nhanh. Thay thế “/path/to/screenshot.png” bằng đường dẫn đích thực tế. Nếu muốn, người dùng có thể tùy chỉnh tên file bằng cách thay đổi“screenshot” với bất kỳ tên nào mong muốn.
adb shell screencap -p "/path/to/screenshot.png"
Khi thay thế đường dẫn đích, lệnh sẽ trông như sau.
adb shell screencap -p "/sdcard/screenshot.png"
15. Quay màn hình Android
Ngoài chụp ảnh màn hình, người dùng còn có thể quay màn hình thiết bị Android bằng lệnh bên dưới. Một lần nữa, thay thế “/path/to/record.mp4” bằng một đường dẫn đích thực tế. Tất nhiên, người dùng có thể tùy chỉnh tên file bằng cách thay đổi “record” bằng bất kỳ tên nào mong muốn.
adb shell screenrecord "/path/to/record.mp4"
16. Khởi động lại ADB ở chế độ USB
Nếu máy chủ ADB đã được khởi động và vì lý do nào đó, các lệnh vẫn không hoạt động. Bạn có thể thử khởi động lại ADB trên USB. Không có lệnh khởi động lại ADB độc lập. Nhưng lệnh sau sẽ thiết lập lại kết nối ADB qua USB. Điều này sẽ khiến máy chủ ADB khởi động lại.
adb usb
17. Phiên bản ADB
Đây là một lệnh rất tiện dụng vì rất ít lệnh hoạt động với các phiên bản ADB mới nhất. Ví dụ, các phiên bản ADB cũ hơn không cho phép bạn chạy lệnh flashall. Vì vậy, khi bạn gặp lỗi lệnh, bước đầu tiên là kiểm tra phiên bản adb. Sau đó, bạn có thể xác minh xem lệnh có được hỗ trợ trong phiên bản đó hay không. Sau đây là lệnh để kiểm tra phiên bản adb.
adb version
18. Kết nối ADB qua WiFi
Trong các phiên bản ADB gần đây, bạn có thể kết nối trực tiếp với bất kỳ thiết bị Android nào qua WiFi. Tất cả những gì bạn phải làm là kích hoạt tính năng USB debugging trên thiết bị kia và chạy lệnh sau.
adb connect địa-chỉ-ip
Vì vậy, lệnh sẽ trông như sau:
adb connect 192.168.1.104
19. Liệt kê các file
Để sao chép hoặc gửi file, bạn cần biết vị trí chính xác của thư mục. Thông thường, bộ nhớ trong của điện thoại được đặt tên là sdcard. Vì vậy, tất cả các thư mục bên trong điện thoại đều nằm trong thư mục /sdcard. Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết vị trí chính xác hoặc định vị một file cụ thể, bạn có thể sử dụng lệnh “ls”. Lệnh ls liệt kê các file trong thư mục.
adb shell ls "directory_name"
20. Liệt kê tất cả các gói đã cài đặt
Bây giờ, việc gỡ cài đặt các gói sẽ yêu cầu bạn lấy tên gói chính xác. Tên gói thực sự khác với tên ứng dụng đã cài đặt. Vì vậy, bên dưới là lệnh adb liệt kê tất cả các gói đã cài đặt.
adb shell pm list packages
Bây giờ, kết quả đầu ra là khá lớn. Vì vậy, nếu bạn muốn liệt kê một gói ứng dụng cụ thể, bạn có thể thử lọc theo tên ứng dụng. Ví dụ, bạn muốn tìm kiếm tên gói cho FDroid, hãy sử dụng lệnh sau.
adb shell pm list packages | findstr "fdroid"
21. Liệt kê các thiết bị Fastboot được kết nối
Đây là một trong những lệnh ít được biết đến. Khi bạn khởi động thiết bị ở chế độ Fastboot, để kiểm tra xem thiết bị đã được kết nối hay chưa, bạn có thể sử dụng lệnh sau.
fastboot devices
Đó là tất cả những lệnh cơ bản chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Nếu muốn chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm về việc sử dụng các lệnh adb trên thiết bị Android, hãy để lại ý kiến trong phần bình luận bên dưới!
Chúc bạn thành công!